Sếp Hoà Phát muốn sang tay hơn 100 tỷ đồng cổ phiếu cho con gái
Sếp Hoà Phát muốn sang tay hơn 100 tỷ đồng cổ phiếu cho con gái
Ông Nguyễn Ngọc Quang, thành viên HĐQT Hoà Phát vừa đăng ký bán thoả thuận 5 triệu cổ phiếu HPG cho con gái Nguyễn Hà My.
Giao dịch này dự kiến được thực hiện từ 7/7 đến 5/8. Bà Nguyễn Hà My hiện chưa sở hữu cổ phiếu nào của Công ty Hoà Phát. Còn ông Nguyễn Ngọc Quang đang sở hữu gần 108,8 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 1,87% vốn. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Quang giảm còn 1,78%.
Nếu tính theo mức giá 22.300 đồng chốt phiên 30/6, lượng cổ phiếu HPG ông Quang chuyển nhượng cho con gái có giá trị 111,5 tỷ đồng. Trong nửa năm qua, giá cổ phiếu Hoà Phát đã giảm hơn 35%.
Năm ngoái, 2 Phó chủ tịch Hoà Phát Trần Tuấn Dương và Nguyễn Mạnh Tuấn cũng
chuyển nhượng
hàng chục triệu cổ phần cho các con. Tháng 5/2021, ông Dương đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu HPG và 3 người con của ông mỗi người mua vào 4 triệu đơn vị. Ngay sau đó, ông Tuấn cũng bán thoả thuận 12 triệu cổ phiếu Hoà Phát, chia đều cho 2 người con.
Từ ngày 20/7, khoảng1,34 tỷ cổ phiếu HPG sẽ gia nhập thị trường. Theo thông báo mới đây của Hoà Phát, tập đoàn này đã hoàn tất phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30%. Sau đợt phát hành này, Hoà Phát cũng sẽ trở thành doanh nghiệp có lượng cổ phiếu lớn nhất trên thị trường với 5,81 tỷ đơn vị.
Năm nay, ban lãnh đạo Hòa Phát đề xuất kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, thấp hơn gần 30% so với thực hiện năm 2021.
Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Đỗ Minh Toàn làm Chủ tịch Công ty chứng khoán ACBS từ 30/6.
Ngày 30/6, Ngân hàng Á Châu (ACB) bổ nhiệm ông Đỗ Minh Toàn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty chứng khoán ACB (ACBS).
Vào đầu năm nay, ông Toàn thôi làm Tổng giám đốc ACB sau 9 năm điều hành ngân hàng. Ông được đánh giá là một trong những giám đốc xuất sắc của ACB khi đã đưa ngân hàng vượt qua nhiều thách thức và đạt được kết quả ấn tượng.
Ông Toàn có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và tài chính ngân hàng, từng đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao tại Ngân hàng Á Châu và Văn phòng Đại diện Ngân hàng ING Barings Hà Lan. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Trường Đại học Columbia Southern, Mỹ và là cử nhân ngân hàng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cử nhân quản trị ngoại thương Trường Đại học Kinh Tế TP HCM và cử nhân Luật Trường Đại học Luật TP HCM.
Trên cương vị mới tại ACBS, ông Toàn sẽ hiện thực hóa tham vọng đầu tư cải tiến mới tại công ty chứng khoán này. ACBS dự kiến liên kết với ngân hàng mẹ để phát triển nhiều phân khúc sản phẩm tương ứng với nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng.
Công ty chứng khoán ACBS gần đây có kiện toàn về dàn nhân sự cấp cao. Cũng trong tháng 6, ACBS có tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Đức Hoàn từng đảm nhận vị trí điều hành tại Công ty chứng khoán KB Việt Nam.
Công ty chứng khoán ACBS được thành lập vào năm 2000 và tới nay từng hai lần tăng vốn, vào 2009 và 2001. Công ty này hiện có mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, đạt doanh thu hơn 450 tỷ trong quý đầu năm nay và ghi nhận lợi nhuận gần 190 tỷ (tăng 84% so với cùng kỳ) nhờ môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh.
Giá xăng ngày mai thế nào sau 7 lần tăng liên tiếp?
Giá xăng ngày mai thế nào sau 7 lần tăng liên tiếp?
Với việc giá thế giới tuần qua đi xuống, theo lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối, giá xăng trong nước ngày 1/7 có thể giảm nhẹ 100-200 đồng.
Ngày mai (1/7) đến kỳ điều hành tiếp theo của
giá xăng dầu
. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/6 với RON 92 là 147,5 USD một thùng, còn RON 95 là 154,77 USD một thùng, giảm nhẹ so với chu kỳ trước.
Tuần qua giá xăng và dầu thế giới giảm 3-5% nhưng 2 phiên gần đây tăng trở lại. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 2,89 USD (+2,51%) lên 118 USD một thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng đắt hơn 2%, lên mức 111,76 USD một thùng. Sang phiên 29/6, giá WTI tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung thế giới bất ổn.
Do đó, theo tính toán của lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM, bình quân giá nhập vào đang giảm khoảng 1-2% so với kỳ trước. Ngày mai, nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm 50-150 đồng một lít, còn dầu giảm khoảng 200 đồng. Ở chiều ngược lại, nếu dùng Quỹ bình ổn, giá xăng và dầu sẽ đi ngang.
Chung quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng xăng dầu đã tăng liên tiếp nhiều tháng qua nên kỳ điều hành này, nhà điều hành có thể thiên về phương án không trích quỹ để hạ nhiệt. "Nếu tính toán kỹ lưỡng, xăng có thể giảm tối đa 300 đồng một lít", giám đốc một doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội nói.
Theo báo cáo tháng 6 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng trong tháng 5 ngay cả khi khối lượng giảm. Các lệnh cấm của phương Tây với Nga khiến giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh trong khi các nhà sản xuất dầu lớn khác vẫn chưa có đợt tăng nguồn cung đáng kể nào.
Saudi Arabia và UAE được coi là hai thành viên duy nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có năng lực dự phòng để bù đắp cho nguồn cung bị mất của Nga nhưng sản lượng vẫn không nhiều.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho biết những thùng dầu trữ "ngày mưa" mà thị trường đang dựa vào có thể không xuất hiện. Do đó, giá xăng dầu thế giới có nguy cơ tăng cao trở lại.
Tại kỳ điều hành ngày 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng một lít.
Theo đó, mỗi lít E5 RON 92 giá hiện là 31.300 đồng; RON 95-III là 32.870 đồng. Dầu diesel tăng mạnh nhất, lên mức 30.010 đồng, dầu hỏa là 28.780 đồng một lít còn dầu mazut là 20.730 đồng một kg.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT để hạ giá xăng
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT để hạ giá xăng
Sau thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT để kìm giá xăng.
Thông tin này vừa được đại diện Bộ Tài chính chia sẻ sáng 30/6. Nhưng vị này chưa tiết lộ chi tiết mức giảm cụ thể với các loại thuế trên.
Nếu Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án này lên các thành viên của Chính phủ.
Theo quy trình, dự thảo Nghị định giảm thuế phải xin ý kiến các bộ, ngành và sự thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình xin ý kiến Chính phủ. Giảm thuế là giải pháp cần được làm nhanh nên thường được thực hiện theo trình tự rút gọn, việc lấy ý kiến các bên có thể chỉ mất 3-5 ngày. Còn thời hạn thẩm định, thẩm tra là 7 ngày (giảm 8 ngày so với thông thường). Như vậy, thời gian lấy ý kiến và thẩm định dự thảo nghị định giảm thuế theo thủ tục rút gọn trước khi trình Quốc hội kéo dài từ 7 tới 27 ngày.
Tuy nhiên, việc quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Theo lịch thông thường, kỳ họp Quốc hội gần nhất vào tháng 10 năm nay.
Tuy chưa công bố phương án cụ thể song đây cũng là động thái ghi nhận hành động quyết liệt hơn của Bộ Tài chính để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.
Giá bán lẻ xăng, dầu ngày một leo thang và đã tăng 65-70% so với cuối năm ngoái, đè nặng lên cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, "van" Quỹ bình ổn đã cạn, việc giảm thuế phí, theo các chuyên gia, là
giải pháp duy nhất
hạ nhiệt giá xăng trong nước.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm thêm 1.000 đồng (xăng), 500 đồng (dầu), theo các chuyên gia, vẫn quá ít và không còn mấy tác dụng như đợt
giảm thuế
cách đây 3 tháng. Do đó, theo chuyên gia, việc giảm thêm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết lúc này.
Hiện nay, bốn loại thuế đánh trên mỗi lít xăng, dầu gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900-2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng một lít với dầu) và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.
Tính chung,
mỗi lít xăng, dầu đang "cõng"
khoảng 34-35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán lẻ, tuỳ thời điểm. Tức là, với mỗi lít xăng, một phần ba là tiền người tiêu dùng phải trả cho các loại thuế, chi phí.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1995, còn dầu (mặt hàng phục vụ chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh) không thuộc diện chịu thuế này. Đây là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng và cần sử dụng tiết kiệm. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên không riêng Việt Nam mà hầu hết quốc gia đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
So với nhiều nước, theo Bộ Tài chính đánh giá thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp - thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
TP HCM
Nhiều công ty địa ốc chọn phương án đầu tư chậm, xử lý hàng tồn, cấu trúc lại nợ, không mở rộng quy mô trong 6 tháng cuối năm.
Ghi nhận của
VnExpress
cho thấy các doanh nghiệp địa ốc đang có xu hướng chuyển từ kịch bản màu hồng sang màu xám cho những tháng cuối năm, để dồn lực vượt khó khi thị trường đói vốn, tắc pháp lý, thanh khoản yếu.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai ngày 29/6, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan cho hay 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp chọn phương án đầu tư chậm, chờ các chính sách, pháp lý được giải quyết một cách thống nhất, đồng bộ. Doanh nghiệp cũng cắt giảm chi phí lãi vay để vượt khó chứ không mở rộng đầu tư năm nay.
Bà Loan nhận định, năm 2020-2021 kinh doanh bất động sản gặp nhiều trở ngại vì tác động của đại dịch. Sang năm nay, các vướng mắc pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ, cộng thêm khó khăn về nguồn vốn (tín dụng hẹp cửa do ngân hàng hết room cho vay, huy động trái phiếu bị tắc) khiến thị trường càng nhiều thách thức.
Theo CEO Quốc Cường Gia Lai, hiện nay đã giữa năm 2022 nhưng Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Đầu tư vẫn chồng chéo nhau. Ba năm nay, nhiều dự án bị tắc vì không giải quyết được những vướng mắc pháp lý nên năm nay không dám kỳ vọng nhiều bởi lẽ không biết tình trạng bế tắc này còn kéo dài bao lâu.
Theo bà Loan, giai đoạn 2007-2011 cũng từng rơi vào khó khăn do khủng hoảng tài chính. Nhưng năm nay khó khăn còn chồng chất hơn vì thị trường vừa vướng pháp lý, vừa không khơi thông được dòng vốn. Đáng lo ngại, hàng tồn kho hiện nay bán cũng chậm do room tín dụng cho khách hàng vay mua nhà bị hạn chế. "Hiện tất cả dự án đều bị 'đứng' pháp lý, không đủ điều kiện bán hàng, viễn cảnh tắc nghẽn dòng tiền, áp lực thiếu vốn đang đè nặng thị trường", bà Loan chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đang phát triển dự án căn hộ tại TP Thủ Đức cho hay, trong đợt bán hàng giữa quý II, thanh khoản kém nhất nửa thập niên qua. Sức mua xuống thấp đến mức chủ đầu tư quyết định tạm đóng rổ hàng, chậm một vài nhịp để cấu trúc lại sản phẩm, thăm dò phản ứng của thị trường. Công ty chọn phương án dừng mở bán các đợt tiếp theo vì lo ngại lãng phí nguồn lực và tiêu tốn chi phí marketing vô ích.
Ông cho hay, do không bán được hàng, công ty gần như bế tắc về dòng tiền phát triển dự án mới, đồng thời không có vốn để xoay vòng các khâu chuẩn bị quỹ đất, "chạy" pháp lý cho dự án tiếp theo. "6 tháng cuối năm, doanh nghiệp chủ động giảm tốc chờ qua giai đoạn căng thẳng. Năm nay gần như không trông mong gì, đành cố thủ bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho chặng đua 2023", ông đánh giá.
Còn tổng giám đốc một công ty phát triển nhà khu Tây Sài Gòn chia sẻ, doanh nghiệp đứt gãy mọi nguồn lực khi cú đánh bồi siết tín dụng đến cùng lúc với việc bán hàng ế ẩm. Điều này đồng nghĩa với hai kênh huy động vốn chủ lực của doanh nghiệp gồm: vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng đều bị chặn đứng. Cánh cửa huy động vốn còn lại là từ đối tác nước ngoài cũng đầy thách thức, khó có cơ hội thành công. Vì khi trình bày hồ sơ các dự án tiềm năng trong tương lai cũng chưa có dự án nào hoàn chỉnh pháp lý.
CEO này cho biết công ty đã hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay xuống còn một nửa so với kế hoạch đề ra sau khi tổng kết sơ bộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm quá kém và cơ hội nửa năm còn lại gần như thu hẹp lại. "Doanh nghiệp chọn giải pháp cắt giảm chi phí và tiết kiệm nguồn lực, chờ qua tháng 7 Âm lịch, đến quý IV, tức mùa cao điểm bán hàng cuối năm, mới phản công, nhưng vẫn chưa có tín hiệu để lạc quan trong thời điểm này", ông nói.
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 mới đây, UBND TP HCM cho biết trong 9 ngành dịch vụ của thành phố, có 5 ngành đạt mức tăng trưởng trên 6%, ba ngành tăng trưởng dưới 6% và duy nhất chỉ có hoạt động kinh doanh bất động sản đi xuống, với mức giảm 5,82%. Sự giảm tốc của thị trường bất động sản khá tương đồng với chiến lược kinh doanh của các công ty bất động sản cho 6 tháng cuối năm.
Tại hội thảo Dòng tiền và xu thế bất động sản 6 tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khẳng định năm nay không phải là năm thuận lợi cho thị trường địa ốc. Ông Hiển nhìn nhận hàng loạt khó khăn như vướng mắc pháp lý kéo dài, khó tiếp cận vốn vay, giá cao, thanh khoản đi xuống, lạm phát đang đè nặng thị trường.
Theo ông Hiển, từ quý II, các doanh nghiệp đã và đang có bước chuẩn bị để vượt khó trong 6 tháng cuối năm, trong khi giới đầu tư cũng có xu hướng thận trọng nhiều hơn. Đây là phản ứng bình thường và hợp lý khi thị trường có nhiều tín hiệu không thuận lợi.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đánh giá thực trạng của thị trường 6 tháng đầu năm là giá nhà cao, thanh khoản hạn chế, dòng tiền tắc nghẽn và xu hướng này có thể tiếp diễn trong những quý còn lại của năm. Tuy nhiên ông Khương cho rằng sự tắc nghẽn dòng tiền khi khó tiếp cận vốn vay từ tháng 4 đến nay chỉ là một trong những khó khăn mới xuất hiện.
Theo ông Khương, áp lực lớn nhất mà doanh nghiệp địa ốc đau đầu chính là vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ. Đây là yếu tố chủ chốt làm đội chi phí đầu vào, tăng chi phí tài chính, đẩy giá thành đầu ra ngày càng cao ngất ngưỡng. "Cần có giải pháp đồng bộ từ khơi thông vốn đến khơi thông pháp lý mới có thể tháo gỡ cục diện khó khăn hiện nay cho thị trường địa ốc", ông nhận định.
Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM chốt phiên cuối tháng 6 tại 1.197 điểm, giảm 328 điểm so với phiên giao dịch đầu năm.
VN-Index
hôm nay giằng co quanh vùng 1.218 điểm trong phần lớn thời gian, nhưng đến nửa tiếng trước
phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa
thì có dấu hiệu "mất phanh". Chỉ số rơi nhanh và xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 1.200 điểm.
6 trong 10
cổ phiếu
tác động tiêu cực nhất đến VN-Index hôm nay thuộc nhóm ngân hàng, lần lượt là BID, VPB, TCB, CTG, VCB và STB. Áp lực xả hàng từ những mã này lan rộng sang nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, là nguyên nhân chính khiến thị trường chìm trong sắc đỏ với hơn 370 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu, gấp bốn lần cổ phiếu tăng điểm.
Phiên giảm này khép lại nửa đầu năm đầy biến động khi VN-Index đã mất 328 điểm, tương ứng 21,4% và nằm trong nhóm 15 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới (theo thống kê của StockQ).
Trong nửa đầu năm, VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm vào ngày 6/1. Thị trường sau đó trải qua nhiều đợt điều chỉnh, trong đó có đợt giảm mạnh kéo dài từ đầu tháng 4 đến giữa tháng này, nhấn chỉ số xuống 1.169 điểm - mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, tương tự diễn biến trong hai tháng qua. Giá trị khớp lệnh hôm nay đạt 10.240 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ so với hôm qua và chỉ bằng 25% những phiên giao dịch cao điểm hồi đầu năm. Tiền của nhà đầu tư vẫn tập trung nhiều nhất ở cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); công nghiệp và nguyên vật liệu. VND, HPG và STB có giá trị giao dịch nhiều nhất trong phiên này nhưng đều không quá 600 tỷ đồng mỗi mã.
Khối ngoại giao dịch cân bằng trong phiên giao dịch cuối tháng khi giải ngân 973 tỷ đồng và bán ra 970 tỷ đồng, ngược với trạng thái mua liên tục nhiều tuần gần đây. VHM, STB và MWG là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài gom nhiều nhất.
Bà Nguyễn Thị Như Loan muốn cổ đông 'hiến kế' đòi sổ đỏ Phước Kiển
Bà Nguyễn Thị Như Loan muốn cổ đông 'hiến kế' đòi sổ đỏ Phước Kiển
TP HCM
CEO Quốc Cường Gia Lai mong cổ đông góp ý kiến giúp công ty đòi lại sổ đỏ 65 ha đất dự án Phước Kiển bị đối tác Sunny giữ 5 năm qua.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) chiều 29/6, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan dành phần lớn thời gian chia sẻ với nhà đầu tư về những khó khăn trong vụ kiện đòi sổ đỏ bị đối tác Sunny Island nắm giữ hơn 5 năm, tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.
Bà Loan cho hay, đối tác không những chưa thanh toán đủ tiền theo hợp đồng hứa mua hứa bán dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè), mượn và giữ sổ đỏ 65 ha đất thuộc dự án hơn nửa thập niên, đến đầu năm nay, đơn vị này còn gởi đơn tố cáo cá nhân bà và công ty gian dối, chiếm đoạt 2.882 tỷ đồng.
CEO QCG kể đã mất ăn mất ngủ nhiều tháng để giải trình với cơ quan điều tra toàn bộ hồ sơ vụ việc, nay đã giải được hàm oan cho công ty cũng như minh oan cho bản thân và gia đình. Thế nhưng cuộc chiến đòi lại sổ đỏ 65 ha đất Phước Kiển từ năm 2020 đến nay vẫn dai dẳng chưa có hồi kết. "Tôi mong cổ đông góp ý giúp công ty đòi lại sổ đỏ đang bị đối tác Sunny giữ. Vụ việc kéo dài công ty thiệt hại rất lớn", bà Loan nói.
Trước đó, Quốc Cường Gia lai được UBND TP HCM chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển với diện tích hơn 90 ha. Đây là một trong những dự án trọng điểm, quy mô lớn nhất của QCG trong hơn chục năm qua. Mặc dù từng nợ đầm đìa vì dự án này (vay vốn để đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch), bà Loan nhiều lần khẳng định muốn thực hiện Phước Kiển vì đây là "đứa con tinh thần" và tâm huyết cả đời kinh doanh của bà.
Năm 2017, Công ty Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án này với tổng giá trị hợp đồng 14.800 tỷ đồng cộng với tiền chuyển mục đích sử dụng đất, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, việc thanh toán chia thành nhiều đợt. Thế nhưng đến tháng 10/2017, phía đối tác chỉ thanh toán giữa chừng 2.882 tỷ đồng, tương đương 19% số tiền đã thỏa thuận thì dừng chuyển tiền, đồng thời mượn và giữ luôn sổ đỏ 65 ha đất của dự án này hơn 5 năm nay.
Đầu năm 2022, Sunny gửi đơn lên cơ quan cảnh sát điều tra tố cáo Quốc Cường gian dối, chiếm đoạt tài sản. Theo tố cáo của Sunny Island, công ty của bà Loan có hành vi gian dối trong việc đưa ra thông tin đã bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 84 ha (92%). Trong hợp đồng hai bên cũng ghi nhận Quốc Cường Gia Lai đã bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng được 92% diện tích dự án. Tuy nhiên, căn cứ vào các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì công ty của bà Loan mới đền bù được hơn 64 ha.
Ngoài ra, phía Quốc Cường Gia Lai còn thông tin về việc đầu tư phát triển một khu dân cư, thương mại trong dự án. Trong khi công ty này chỉ được UBND TP HCM chấp thuận cho phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật khiến Sunny Island tin tưởng ký hợp đồng và đã thanh toán 2.882 tỷ đồng, nhưng đến nay dự án không thực hiện được.
Sau khi xác minh, Công an TP HCM cho rằng, căn cứ vào hợp đồng hứa mua hứa bán (29/03/2017) giữa hai bên, thể hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) do Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư đang được Sở Xây dựng đề nghị UBND TP HCM công nhận. Công ty Quốc Cường Gia Lai sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để được chấp thuận là chủ đầu tư của dự án bao gồm phần hạ tầng và phần đô thị.
Tuy nhiên cho đến nay, các văn bản công nhận, chấp thuận cho công ty này làm chủ đầu tư dự án đã hết hiệu lực thực hiện. UBND TP HCM chưa ban hành quyết định giao đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Hiện UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở ngành chức năng hướng dẫn Công ty Quốc Cường Gia Lai lập thủ tục đầu tư dự án này theo đúng quy định pháp luật.
Về việc Công ty Sunny Island cho rằng Quốc Cường Gia Lai gian dối thông tin về diện tích đất đã bồi thường của dự án, cơ quan điều tra cho biết, sau khi ký hợp đồng, từ tháng 4 đến tháng 10/2017, Công ty Sunny Island đã nhiều lần thanh toán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai số tiền 2.882,8 tỷ đồng trên tổng số 14.800 tỷ đồng (tương đương khoảng 19,47% giá trị hợp đồng). Trong khi đó, Quốc Cường Gia Lai đã giao cho Công ty Sunny Island giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ bồi thường của 65,76 ha (tương đương khoảng 71,72% diện tích dự án).
Do đó, kết luận của cơ quan điều tra xác định không có dấu hiệu hình sự trong vụ Công ty Quốc Cường Gia Lai bị tố gian dối chiếm đoạt 2.882 tỷ đồng qua hợp đồng mua bán dự án Phước Kiển, đồng thời không khởi tố vụ án. Quyết định này cũng được VKSND TP HCM đồng thuận.
Tại đại hội của QCG, hàng chục cổ đông đã đề nghị Quốc Cường Gia Lai kiện ngược phía Sunny Island về việc vu khống, gây thiệt hại lớn đến danh dự, uy tín và làm tổn thất tài chính của công ty. Nhiều cổ đông thậm chí lo ngại vụ kiện đòi sổ đỏ 65 ha thuộc dự án Phước Kiển bị Sunny Island giữ 5 năm nếu cứ kéo dài có thể là một rủi ro tiềm ẩn đến thị giá cổ phiếu QCG trên sàn chứng khoán trong thời gian tới.
Bên cạnh việc đồng ý tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ kiện Sunny Island để đòi sổ đỏ dự án Phước Kiển, các cổ đông cũng thống nhất việc hủy phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã được thông qua năm ngoái. Theo phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2021, giá phát hành là 11.000 đồng một cổ phiếu và bị hạn chế chuyển nhượng 12 tháng, cao hơn giá cổ phiếu hiện chỉ gần 8.000 đồng một cổ phiếu.
Tuy nhiên, những diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán năm 2022 đã tác động lớn đến tâm lý của các cổ đông QCG cũng như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, tác động của đại dịch Covid-19, giá vật tư xây dựng, xăng dầu tăng mạnh làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Hệ thống pháp lý bất động sản thay đổi, chưa đồng bộ, nhiều bất cập nên các dự án chưa thể triển khai xây dựng, vì vậy nhu cầu vốn hiện nay chưa cấp thiết.
Trong phần trình bày về kết quả kinh doanh năm ngoái và kế hoạch năm nay, bà Loan cho biết, năm 2021 doanh thu thuần của công ty đạt gần 1.050 tỷ đồng, giảm 43,79% so với năm 2020 do tác động của đại dịch. Lợi nhuận trước thuế năm ngoái đạt gần 84 tỷ đồng. Bất động sản chiếm 81% doanh thu và 68% lợi nhuận trước thuế của công ty, thủy điện đóng góp 14% doanh thu và 31% lợi nhuận. Cao su và các lĩnh vực khác đóng góp 5% doanh thu và 1% lợi nhuận trước thuế.
"Khi đại dịch bùng phát năm 2021, kinh doanh bất động sản khó khăn, nhưng nhờ doanh thu thủy điện và cao su hỗ trợ được phần nào nên công ty còn có cái để lấy ngắn nuôi dài", bà Loan cho hay.
Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng. Khi bị cổ đông so sánh Quốc Cường Gia Lai quỹ đất nhiều nhưng kế hoạch lợi nhuận "thua chị kém em" trên thị trường bất động sản, bà Loan thừa nhận thời gian qua chỉ tập trung nhiều vào việc tạo dựng quỹ đất. Một trong những khó khăn ngoài ý muốn, theo CEO QCG là 3 năm qua thủ tục pháp lý chồng chéo và thay đổi nên việc triển khai dự án không thuận lợi. Do chưa thể bán hàng, dẫn đến công ty không tạo được doanh thu lớn, khó đạt lợi nhuận như cổ đông từng kỳ vọng.
"Chúng tôi liệu cơm gắp mắm, làm chậm mà chắc, không vay vốn lớn, không đặt cược với rủi ro. Tôi chỉ dám đưa ra mục tiêu có thể thực hiện được chứ không tô hồng", bà Loan trần tình.